Quy hoạch 1/500 hay còn gọi là bản đồ quy hoạch 1/500 là tên gọi của bản đồ khu quy hoạch. Bản đồ quy hoạch này thể hiện rõ cách phân bổ của các cơ sở hạ tầng và vai trò, tính chất của khu đô thị.
Quy hoạch 1/500
Bản đồ quy hoạch 1/500 là bản vẽ của đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được thể hiện theo tỷ lệ 1/500. Bản đồ quy hoạch 1/500 là bản vẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng:
- Giúp xác định vị trí, ranh giới công trình xây dựng.
- Là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng cho dự án hoặc cơ sở để làm hồ sơ xây dựng.
Tỷ lệ bản đồ 1/500 là tỷ số giữa độ dài một đoạn thẳng trên bản đồ so với độ dài của chính đoạn thẳng đó trên thực địa. (tỷ lệ 1 chia 500). Ký hiệu: 1/500 hoặc 1:500
Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 còn là việc thể hiện quy hoạch tổng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng, là cơ sở để định vị các công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình và thực hiện xây dựng. Tóm lại, (1) quy hoạch 1/500 phải gắn liền với một dự án cụ thể. (2) Bản đồ quy hoạch 1/500 là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng.
Ý nghĩa của quy hoạch 1/500
Bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 nhằm giúp các nhà đầu tư xác định được định hướng giao thông, hạ tầng khu đô thị. Bản đồ có thể xác định được các mốc lộ giới trong việc phân chia từng khu vực, để phát triển cơ sở hạ tầng một cách rõ ràng và chính xác nhất. Ngoài ra, bản đồ còn là cơ sở để xác định mục tiêu và hướng phát triển dự án của chủ đầu tư với khu quy hoạch.
Loại bản đồ quy hoạch này bắt buộc phải có đối với những dự án có diện tích mặt bằng từ 2ha, 5ha trở lên. Mặc dù bản đồ là căn cứ để xác định khu quy hoạch nhưng đây không phải là cơ sở để thực hiện thủ tục giao, nhận đất.
Cơ quan cấp bản đồ quy hoạch 1/500
Theo quy định tại Điều 44 Luật quy hoạch đô thị 2009 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cấp bản đồ quy hoạch 1/500 là:
- Thủ tướng Chính phủ
- Bộ xây dựng
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Ủy ban nhân dân cấp huyện
Các dự án cần lập bản đồ quy hoạch 1/500
Theo quy định của Luật xây dựng 2014 sửa đổi bổ sung năm 2020 thì các dự án cần có bản đồ quy hoạch 1/500 bao gồm:
- Quy hoạch chi tiết xây dựng trong khu chức năng đặc thù.
- Quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
- Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2.
Điều kiện để được cấp
Để được phê duyệt bản đồ quy hoạch 1/500, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định sẽ thực hiện thẩm định dựa trên các cơ sở được quy định tại Điều 31 Nghị định 37/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị cụ thể như sau:
- Căn cứ vào ý kiến của các cơ quan liên quan
- Căn cứ vào ý kiến của Hội đồng thẩm định
- Nội dung nhiệm vụ
- Đồ án quy hoạch đô thị
Sau khi thẩm định xong, cơ quan thẩm định sẽ báo cáo kết quả thẩm định với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trình tự lập quy hoạch 1/500
Bản đồ quy hoạch 1/500 được lập dựa trên bản quy hoạch 1/2000, nhằm phù hợp với định hướng phát phát triển của xã hội. Trình tự lập cụ thể như sau:
Bước 1: Tổ chức cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Bước 2: Cơ quan có trách nhiệm thẩm định nội dung của hồ sơ, lập kế hoạch để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
Bước 3: Tiếp nhận kết quả.
Hồ sơ để thực hiện được quy định tại Thông tư 10/2010/TT-BXD, cụ thể bao gồm:
- Tờ trình đề nghị thẩm định, phê duyệt của chủ đầu tư, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị.
- Bản sao chứng thực Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết của cơ quan có thẩm quyền.
- Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch; chứng chỉ hành nghề của Kiến trúc sư, Kỹ sư.
- Bản chính hoặc bản sao ý kiến của khu dân cư có liên quan đến đồ án quy hoạch.
- Bản chính hoặc bản sao ý kiến của UBND có thẩm quyền.
- Bản chính hoặc bản sao ý kiến của Sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan.
- Bản chính hoặc bản sao các văn bản có liên quan để làm rõ nội dung trong hồ sơ.
Điểm khác nhau giữa quy hoạch 1/500 và 1/2000
Quy hoạch 1/2000 là cơ sở để thực hiện quy hoạch 1/500 và xét duyệt giấy phép xây dựng cho dự án. Khoản 2 Điều 11 và Khoản 2 Điều 24 của Luật xây dựng quy định quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị gồm hai loại, quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500.
Quy hoạch chi tiết 1/2000 là để quản lý đô thị. Còn quy hoạch chi tiết 1/500 là để xác định mối quan hệ giữa các công trình thuộc quy hoạch với các yếu tố bên ngoài của quy hoạch.
Tóm lại, quy hoạch 1/2000 là giai đoạn 1 trong quy hoạch. Đây là bước triển khai của quy hoạch chung xây dựng đô thị. Quy hoạch 1/2000 cơ sở cho việc triển khai lập và quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/500. Còn quy hoạch chi tiết 1/500 là giai đoạn 2 trong quy hoạch. Quy hoạch 1/500 là để triển khai và cụ thể hoá quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000; là cơ sở để lập các dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng và gắn liền với 1 dự án cụ thể.
Đối với quy hoạch 1/2000 là để lập các bản đồ không gian, kiến trúc cảnh quan, bản đồ tổng mặt bằng sử dụng đất, quy hoạch giao thông, các sơ đồ đơn tuyến hạ tầng kỹ thuật và cơ điện. Còn quy hoạch 1/500 là để chi tiết hóa đến từng công trình: dân số, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tổ chức không gian, kiến trúc, công trình hạ tầng, kiến trúc/thiết kế chi tiết của từng lô đất, đánh giá môi trường…
Người thực hiện đối với quy hoạch 1/2000 là chính quyền địa phương hoặc chủ đầu tư. Còn người thực hiện ở quy hoạch 1/500 là chủ đầu tư./.