Trách nhiệm hình sự là gì? Đặc điểm của trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự (BLHS) không có quy định khái niệm về trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy trong khoa học Luật hình sự còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đều có những điểm chung.

Trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình.

Như vậy có thể thấy rằng, thuật ngữ TNHS được dùng để chỉ những hậu quả pháp lý người phạm tội phải chịu trước Nhà nước và xã hội vì đã thực hiện những vi mà BLHS quy định là tội phạm.

Cơ sở của trách nhiệm hình sự

Điều 2 BLHS 2015 quy định:

  1. Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu TNHS.
  1. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của BLHS 2015 mới phải chịu TNHS.

Theo quy định trên, cơ sở của TNHS là việc thực hiện hành vi có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Để kết luận hành vi đã thực hiện của chủ thể có phải tội phạm không, tội danh, khung hình phạt có thể áp dụng, cần phải xác định hành vi đó đã thoả mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể chưa.

Nếu thoả mãn tức là chủ thể ấy đã thực hiện tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS và phải chịu TNHS. Do vậy, cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý của TNHS, là điều kiện cần và đủ của TNHS.

Đặc điểm của TNHS

  1. TNHS là hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện hành vi phạm tội. Hậu quả này chỉ phát sinh khi có người thực hiện tội phạm. Không có việc thực hiện tội phạm thì không thể có TNHS.
  2. TNHS tồng tại khách quan kể từ khi tội phạm được thực hiện, không phụ thuộc vào việc cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện được tội phạm và người phạm tội hay chưa.
  3. TNHS chỉ được xác định bằng trình tự thủ tục đặc biệt theo quy định của pháp luật mà các cơ quan tiến hình tố tụng có nghĩa vụ phải thực hiện.
  4. TNHS được biểu hiện cụ thể ở việc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt, các biện pháp tư pháp hình sự.
  5. TNHS mà người phạm tội phải gánh chịu là trách nhiệm đối với Nhà nước mà không phải đối với người mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại.
  6. TNHS phải được phản ánh trong bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án.

TNHS chấm dứt khi nào?

BLHS 2015 quy định TNHS chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  1. Người phạm tội đã chấp hành xong hình phạt.
  2. Người phạm tội được miễn TNHS hoặc miễn hình phạt.
  3. Người phạm tội được miễn chấp hành hình phạt.
  4. Được đại xá hoặc đặc xá.
  5. Hết thời hiệu truy cứu TNHS.
  6. Hết thời hiệu thi hành bản án.
Đánh giá bài viết
096 567 9698